Sáng 14/11, tại Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội tổ chức trao giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ VIII, năm 2024 và trao giải cuộc thi “Thầy cô trong mắt em”. Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng 70 năm thành lập ngành GDĐT Thủ đô (1954-2024) và 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024)

Tới dự lễ trao giải có các đồng chí: Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; Thành ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương.

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VIII năm 2024 nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”…

Giành giải Nhất tại vòng chung khảo "Nhà giáo Hoài Đức tâm huyết, sáng tạo" năm 2024, cô giáo Tạ Thị Vui - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Vân Canh đã đại diện cho cấp Tiểu học ngành GDĐT huyện Hoài Đức tham gia xét duyệt giải thưởng cấp thành phố. Được lựa chọn từ 197 nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo, cô giáo Tạ Thị Vui đã xuất sắc cùng 70 nhà giáo của 4 cấp học tham gia báo cáo tại vòng chung khảo và được vinh danh trên sân khấu danh giá của ngành giáo dục Thủ đô. 

Là một cán bộ quản lý trẻ với 17 năm công tác trong ngành giáo dục, cô giáo Tạ Thị Vui - Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch Công đoàn luôn nỗ lực cùng tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; xây dựng trường Tiểu học Vân Canh trở thành một điểm sáng của giáo dục Hoài Đức.

Nhà giáo luôn tâm đắc với câu nói: “Thầy cô chính là người cầm tay, mở ra trí óc và chạm đến trái tim”, vì vậy cô đã không ngừng học hỏi, trau đồi bản thân để phấn đấu sắc về chuyên môn nghiệp vụ, đẹp về đạo đức phong cách. Với những nỗ lực đó, cô đã đạt được nhiều thành tích trong công tác, nhận được sự tin yêu của các bậc phụ huynh và các em học sinh; tạo động lực và lan tỏa tình yêu nghề của mình cho các đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường.

Với cương vị Phó Hiệu trưởng phụ trách hoạt động Đội, nhận thấy các hoạt động và phong trào thiếu nhi vẫn còn đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn học sinh tham gia; hiệu quả từ các phong trào chưa cao, cô đã xây dựng và triển khai sáng tạo nhiều hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi như chương trình Đổi giấy lấy cây – Xanh trường – Sạch lớp – Đẹp nhà; VanCanh’s Got Talent; VanCanh’s Next Top Model,... Các hoạt động bổ ích, lí thú này thu hút học sinh hào hứng tham gia trải nghiệm và được rèn luyện đạo đức, kĩ năng sống để trở thành những công dân ưu tú của thủ đô ngàn năm văn hiến.

      Là Phó Chủ tịch Công đoàn trường, cô đã xây dựng các chương trình, hoạt động thiết thực như chương trình Ngày hội gia đình; Giáo viên online – Tài năng sáng tạo – Tỏa sáng yêu thương; Gửi người phụ nữ tôi yêu,... Các hoạt động này không chỉ giúp giáo viên trau dồi chuyên môn mà còn phát huy sự sáng tạo trong thời kì hội nhập, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong hoạt động công đoàn.

Trong nhiệm vụ quản lý chuyên môn, nhận thấy xu hướng giáo dục kỹ năng “Công dân số” cho học sinh tiểu học đang ngày càng phổ biến không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Nhưng trong thực tế, việc tiếp cận, thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nhà trường nơi mình công tác. Cô đã trăn trở với những câu hỏi: Làm thế nào để tạo cơ hội và điều kiện cho học sinh được khám phá và kiến tạo tri thức? Thực hiện những hoạt động giáo dục gì để rèn luyện phẩm chất và thái độ sống, giúp các em biết vận dụng những tri thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn đời sống đặt ra? Để giải quyết vấn đề này, cô đã đưa ra biện pháp: “Đổi mới hoạt động chuyển đổi số tại nhà trường, tạo môi trường giáo dục số, hình thành kĩ năng “Công dân số” cho học sinh” với các giải pháp cụ thể đã và đang mang lại hiệu quả:

- Nhà giáo đã xây dựng môi trường giáo dục số bằng những “Lớp học mở” để tạo nền tảng giao tiếp gần gũi giữa giáo viên - học sinh và tăng sự liên kết gia đình - nhà trường. Cô còn tổ chức các cuộc thi trong môi trường số để tăng cường sự tương tác, giúp học sinh hào hứng thi đua, học tập trong tâm thế phấn khởi, thu hút đông đảo phụ huynh tham gia. Hoạt động này có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả bởi học sinh và cả phụ huynh được hình thành, bổ sung những chuẩn mực đạo đức, được bảo vệ thể chất, tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số.

- Việc hình thành kĩ năng “Công dân số” được cô triển khai với hai giải pháp là xây dựng diễn đàn giáo dục trên môi trường số và tổ chức lớp học kết nối. Với mục đích giúp học sinh hòa mình học tập, làm việc một cách tự nhiên trên môi trường số, từ đó định hướng cho trẻ hình thành kĩ năng trên môi trường số, loại bỏ những tác động không tốt, hình thành động lực cho học sinh để trở thành những công dân số, cô đã xây dựng kênh diễn đàn (forum) trên website của nhà trường. Để thực hiện công việc này, cô cùng giáo viên đã tìm hiểu và đưa ứng dụng số hóa, tự động hóa vào triển khai. Đây là một công cụ để trao đổi, kết nối giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh. Thông qua hoạt động, mối liên hệ giữa giáo viên và phụ huynh trở lên hiệu quả; học sinh thích thú, tự giác làm việc theo định hướng của giáo viên. Việc làm này chẳng những biến những học sinh của trường tiểu học Vân Canh trở thành những công dân số mà phụ huynh cũng trở thành những phụ huynh số với khả năng truy cập nguồn thông tin số, ứng xử trên môi trường số. Để việc tương tác, kết nối trên môi trường số đạt hiệu quả, cô đã triển khai các lớp học kết nối. Cô và các đồng nghiệp đã liên hệ với giáo viên trong và ngoài thành phố xây dựng các tiết học kết nối. Việc thay đổi hình thức học tập giúp học sinh rất hào hứng tham gia. Các con nhận thấy rằng CNTT có thể kết nối giúp chúng ta kết nối muôn nơi, từ hào hứng trở nên yêu thích và vận dụng những ứng dụng CNTT vào cuộc sống, công việc trong tương lai của mình.

Với kim chỉ nam “Tất cả vì học sinh thân yêu”; “Chất lượng là danh dự của nhà trường”, cô Tạ Thị Vui đã và đang ngày ngày nỗ lực để cùng tập thể giữ vững thương hiệu của trường Tiểu học Vân Canh với nhiều danh hiệu cao quý.

* Thành tích đã đạt được:

- Giải Ba Giáo viên giỏi cấp Thành phố; giải Nhất GVG cấp Huyện.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Bằng khen của BCH Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội

- Có 03 Sáng kiến kinh nghiệm được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng

- Chiến sĩ thi đua cơ sở; Lao động tiên tiến; Đảng viên HTXS nhiệm vụ; Giấy khen trong phong trào “Sáng kiến, sáng tạo”; Giải Khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và DVC trực tuyến huyện Hoài Đức.

- Giấy khen “Gia đình CNVCLĐ thủ đô tiêu biểu” huyện Hoài Đức; Có TTXS trong phong trào thi đua "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà"